Nghiên cứu, đề xuất định hướng thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam (Ngày đăng:26/12/2020)

Gần đây, Việt Nam được đánh giá là có nhận thức về công nghệ thông tin cao hơn nước khác. Các doanh nghiệp Việt cũng đang rất muốn làm chủ công nghệ. Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam lớn nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Giải quyết được bài toán công nghệ cao ở Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho cả startup và doanh nghiệp.

Việc định hướng phát triển AI của Việt Nam là rất cần thiết nhằm xây dựng kế hoạch tăng cường AI để giải quyết một loạt các thách thức kinh tế, quản trị và xã hội. Vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu chậm lại và hy vọng rằng AI có thể là "động lực mới" để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai thông qua việc mở ra một cuộc cách mạng khoa học mới và chuyển đổi công nghiệp. Ngoài ra, AI sẽ được thúc đẩy thông qua quản trị và xã hội để cải thiện một loạt các dịch vụ và hệ thống, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và hệ thống tư pháp. Lĩnh vực quản lý nhà nước về AI cũng có nhiều chồng lấn, chưa thực sự rõ ràng. Điều này đặt ra nhiệm vụ cần phân tách rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam. Trước vấn đề này, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Minh Tuấn - Viện Chiến lược thông tin và truyền thông đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất định hướng thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam”.

Sau một thời gian triển khai nhiệm vụ, nhóm đề tài đưa ra một số kết luận như sau:

Đề tài bước đầu cũng đã xác định được một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cần hướng tới bảo đảm cho việc chấp nhận hiệu quả những thành tựu do AI mang lại trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Trí tuệ nhân tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, nếu ngành công nghiệp, xã hội dân sự, Chính phủ và công chúng cùng nhau hỗ trợ sự phát triển của công nghệ với sự quan tâm chu đáo của Chính phủ đến tiềm năng của chúng và để quản lý các rủi ro của chúng. Chính phủ sẽ đóng một số vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai các dịch vụ AI hay chia sẻ dữ liệu cá nhân của mình nhằm tạo ra một thị trường AI và các dịch vụ dữ liệu lành mạnh, công bằng và minh bạch. Chính phủ cần bảo đảm sự an toàn và tính công bằng của các ứng dụng khi chúng phát triển và thông qua các khung pháp lý để khuyến khích đổi mới cùng với bảo vệ công dân của mình. Chính phủ cần hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng AI vào các hàng hóa công cộng, cũng như sự phát triển của một lực lượng lao động đa dạng có chuyên môn cao. Và bản thân Chính phủ cần sử dụng AI để phục vụ công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và với chi phí thấp hơn. Nhiều lĩnh vực chính sách công, từ giáo dục, y tế, quốc phòng, bảo vệ môi trường và tư pháp… sẽ thấy những cơ hội mới và những thách thức mới do sự tiến bộ liên tục của AI. Chính phủ phải tiếp tục nâng cao năng lực của mình để nắm bắt và thích nghi với những thay đổi này. Các sản phẩm công nghiệp AI do Việt Nam tự nghiên cứu, phát triển sẽ là một cơ hội để chúng ta tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong thời đại số ngày nay, dù tiềm ẩn một số thách thức như làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng xã hội và đe dọa đời sống con người nhưng AI được coi là một công nghệ “người cầm lái” dẫn dắt năng suất quốc gia và mang tới các cơ hội lớn cho mọi người, mọi tổ chức và mọi quốc gia. Theo số liệu dự báo đã được thừa nhận rộng rãi vào năm 2017 của PwC, lợi ích từ AI sẽ đóng góp tới 15.700 tỷ USD và chiếm 14% GDP danh nghĩa toàn cầu vào năm 2030. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nghiên cứu - phát triểnAI theo triết lý “AI cùng con người, AI vì nhân loại”, tập trung phát triển các khu vực AI có lợi thế là những đặc trưng cốt lõi của chiến lược AI quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực AI tài năng, tăng cường phát triển các công nghệ AI lõi (đặc biệt là các thuật toán học máy và công nghệ dữ liệu lớn), triển khai công nghệ AI phục vụ cộng đồng, mở rộng hệ sinh thái AI thương mại và nâng cao đạo đức AI là những nội dung nổi bật trong chiến lược AI quốc gia của không chỉ các nước siêu cường kinh tế mà còn các nước khác. Phát huy lợi thế về ổn định chính trị, ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực AI tài năng dựa trên việc phát huy tiềm năng nhân lực về khoa học và lập trình, khai thác lợi thế có vị trí địa lý kề cận một khu vực tiềm năng có lợi ích từ AI lớn nhất thế giới, khắc phục hạn chế về thị trường AI nội địa còn nhỏ bé cần là một số giải pháp trong định hướng phát triển AI của Việt Nam. Chúng ta tin tưởng vào tương lai công nghiệp AI Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ cao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại số ngày nay

Tin Tương Tự

Liên kết

Thống kê truy cập

Tổng số lượng truy cập
677095
Số người Online
1