Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau gần 1 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Hiện Việt Nam có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp và mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
“Make in Viet Nam” trở thành một khẩu hiệu hành động, góp phần thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo, làm ra sản phẩm tại Việt Nam; thay vì làm gia công, lắp ráp, hãy làm sản phẩm phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới ngày càng bé lại, có nhiều biến động và cũng nhạy cảm hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cả an toàn, an ninh mạng. Điển hình, dịch bệnh COVID-19 thậm chí đã có thể làm đảo lộn thế giới, nhiều ngành sản xuất phải mất nhiều năm mới quay lại được trạng thái như trước đây.
“Và thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, dù không phải là nước đứng đầu thế giới về trình độ y tế, là bởi vì chúng ta biết mình đang ở đâu trên bản đồ y tế thế giới, biết được điểm mạnh, hạn chế của ngành y tế, hệ thống quản trị xã hội để có những giải pháp đúng, nhanh và kịp thời từ sự đóng góp, tổng hợp của đông đảo ý kiến chuyên gia và cả những người không làm về y tế”, Phó Thủ tướng chia sẻ và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm khơi dậy niềm tự hào, khát vọng, sự thôi thúc người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, để chủ động, sáng tạo ra những giải pháp công nghệ, thiết kế những sản phẩm mới có chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam”.
Phó Thủ tướng nêu rõ: "Việt Nam luôn đặt mình là một phần của thế giới. Chúng ta luôn nêu cao tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho mọi đối tác, doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, kinh doanh, và đóng góp vào sự phát triển công nghệ thông tin nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự tin thiết kế, sáng tạo ra những giải pháp và cách làm riêng để cạnh tranh bình đẳng trước hết ở thị trường trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là cộng đồng doanh nghiệp số có thể làm được nếu biết khơi dậy tiềm lực của tất cả người Việt Nam trong nước, nước ngoài, và cả những người đang gắn bó với mảnh đất Việt Nam.
Cơ sở niềm tin đó trước hết đến từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, từ đó khơi dậy được sự sáng tạo và sức mạnh của toàn dân, cùng với sức mạnh thời đại, vượt qua rất nhiều thách thức mà nhiều khi, nhiều người tưởng chừng không thể vượt qua được".
Phó Thủ tướng cũng đưa ra dẫn chứng, dù rất khó khăn, chưa hài lòng nhưng thực tế Việt Nam vẫn là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh thuộc nhóm hàng đầu thế giới trong hơn 20 năm liên tục. Mặc dù thu nhập bình quân GDP theo đầu người của Việt Nam mới ở khoảng 100, nhưng chỉ số phát triển bền vững của chúng ta xếp thứ 49. Điều đó thể hiện sự ưu việt của chế độ và con đường phát triển của Việt Nam là đúng, tương đồng với 17 nhóm tiêu chí và 169 tiêu chí cụ thể của Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc thể hiện khát vọng chung của nhân loại như: Xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển kinh tế, chăm lo cho tất cả mọi người đặc biệt là những người yếu thế, bảo vệ thiên nhiên, môi trường…
Sự tự tin còn đến từ số lượng doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới hay những “doanh nghiệp kỳ lân”, số lượng dịch vụ số của doanh nghiệp Việt Nam được thế giới và chính người Việt Nam sử dụng. Cùng với đó là chất lượng đào tạo nhân lực của Việt Nam với chỉ số giáo dục phổ thông tiếp cận với nhóm các nước OECD, giáo dục đại học dần được cải thiện thứ hạng, chỉ số sáng tạo đứng thứ 42 trên thế giới, trong khi nếu tính về chỉ số thu nhập GDP bình quân trên đầu người Việt Nam đứng ở thứ hạng khoảng 100 và nhiều chỉ số khác trên các bảng xếp hạng quốc tế thì thường ở vị trí 70 đến 80 như năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, chính phủ điện tử…
“Đấy là nền tảng cơ sở để chúng ta có thể tự tin nếu có chính sách đúng, cùng nắm tay nhau thì có thể làm được những điều tưởng chừng không thể làm được. Và cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam có thể tự tin góp sức lớn hơn để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Bứt phá khỏi quy luật phát triển thông thường
Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh hơn, Phó Thủ tướng cho rằng nhất thiết phải xác định, tạo điều kiện cho những ngành kinh tế có khả năng tạo ra động lực, sức lan tỏa mới, những cộng đồng doanh nghiệp có thể phá vỡ quy luật phát triển tuyến tính bình thường.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam ở mức dưới 10%. Chúng ta phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số từ 15-20% và thậm chí là nhanh hơn nữa”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (start-up), các doanh nghiệp số phải có sự khát khao và nhiệt huyết vượt qua tất cả khó khăn bên ngoài, sự cản trở bên trong để vươn lên ngang bằng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Về yêu cầu bền vững, Phó Thủ tướng đánh giá phần lớn sản phẩm được vinh danh tại Cuộc thi Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 đã hướng tới phục vụ những nhu cầu thiết yếu của con người, đặc biệt những vấn đề thường ít được nói đến ở một nước đang phát triển như sức khỏe, giáo dục, giao thông, vui chơi giải trí… “Đây chính là những nguồn khách hàng, nơi khởi nguồn dịch vụ mà nếu các doanh nghiệp công nghệ số làm tốt sẽ góp phần làm cho đất nước phát triển bền vững hơn”.
Nhắc lại những ngày đầu mạnh dạn tiên phong, đổi mới của ngành bưu điện trước đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa sứ mệnh tiên phong lại được trao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin hôm nay.
Để đất nước phát triển nhanh hơn thì công nghệ thông tin, công nghệ số phải đi nhanh hơn nữa bằng những mô hình, giải pháp của Việt Nam. “Công nghệ có thể chưa hoàn toàn là của Việt Nam. Chúng ta cũng không có tham vọng thay tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới để làm tất cả các công nghệ nền tảng nhưng quan trọng nhất là làm chủ và có giải pháp để sử dụng hiệu quả nhất. Tinh thần này không chỉ được khơi dậy, thôi thúc trong cộng đồng doanh nghiệp số mà phải đến với mọi doanh nghiệp Việt Nam và ra toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp, từ giữ gìn đất nước hòa bình, ổn định, hợp tác, cải thiện môi trường kinh doanh đến việc đặt ra các “bài toán” để doanh nghiệp mở giải pháp, mở dữ liệu, sáng kiến để kết nối, hỗ trợ lẫn nhau.
“Chúng ta đi sau nên phải rất khẩn trương, nắm chặt tay trong một đội hình bước thật đều, thật nhanh”, Phó Thủ tướng mong muốn và chúc cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số có được những bước tiến mới, góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.